Người ta trang bị nhiều loại phao cứu sinh khác nhau trên tàu. Đó là phao áo cá nhân(life jacket); phao tròn(life buoy); phao bè cứu sinh tự thổi(life raft) và xuồng cứu sinh(life boat). Mỗi người trên tàu đều được trang bị một phao áo cá nhân. Phao áo cá nhân được cất giữ trong phòng ở của mỗi người. .
Phao áo cá nhân còn được trang bị thêm trên buồng lái, trong buồng điều khiển máy và kể cả cạnh kho mũi, nơi gần khu vực trực neo(nếu khoảng cách từ buồng lái tới mũi trên 100m). Những phao áo được trang bị thêm là những phao áo dự phòng giành cho những người đang trực ca. Phao áo màu da cam, được ghi rõ tên tàu và cảng đăng kí. Phao được trang bị còi, đèn và băng phản quang để mọi người lâm nạn có thể liên lạc với nhau trong đêm trên biển. Mỗi khi có lệnh rời bỏ tàu, bạn nhớ mặc phao áo cá nhân của mình. Tàu được trang bị các phao tròn.
Phao tròn màu da cam, được ghi rõ tên tàu, tên cảng đăng kí, có dây bám và có băng phản quang dán trên thân phao. Phao tròn được treo trên các lan can ở hai bên mạn tàu(boong chính, boong lái, boong ca nô và hai bên cánh gà buồng lái). Phao tròn dùng để cứu người bị rơi xuống biển. Trên tàu có (4) loại phao tròn: phao tròn không có dây, phao tròn có dây, phao tròn có đèn và phao tròn có đèn và khói. Phao tròn có đèn và khói được lắp ở hai bên cánh gà buồng lái, dùng để cứu khẩn cấp người rơi xuống biển. Để giúp phao rơi dễ dàng, phao gắn ở hai bên cánh gà buồng lái phải có trọng lượng lớn hơn các phao tròn khác trên tàu. Mỗi khi phát hiện người rơi xuống biển, hành động đầu tiên của bạn là hãy ném phao tròn gần chỗ bạn đứng cho họ. Số lượng phao tròn tùy thuộc vào kích thước của tàu và số lượng người trên tàu. Thông thường tàu hàng, mỗi tàu được trạng bị tối thiểu (8) phao tròn. Ở mỗi mạn tàu, có trang bị một (hay nhiều) phao bè tự thổi; có sức chứa đủ để chở toàn bộ thuyền viên trên tàu.
Phao bè tự thổi được xếp trong một vỏ áo phao cứng, gắn trên boong tàu. Khi cần hạ phao, bạn chỉ cần buộc đầu dây khởi động phao vào điểm cố định trên boong tàu, rồi lăn phao xuống nước. Kéo dây khởi động phao bè về tàu(khoảng 30m) và giật mạnh, chai gió trong phao sẽ thổi căng phao. Khi phao được thổi căng, vỏ phao sẽ mở ra, ta có một phao bè cứu sinh trên biển. Phao bè tự thổi cũng có thể tự bung ra khỏi tàu khi tàu chìm đột ngột nhờ thiết bị tự hạ(hydrolic released unit). Bên trong phao bè tự thổi có đầy đủ bơi chèo, lương khô, nước ngọt và các phương tiện cấp cứu cần thiết khác cho người bị nạn. Nếu khoảng cách từ mũi tàu đến ca-bin buồng lái xa trên 100m, thì cần có một phao bè cho thuyền viên trực ca neo ở mũi tàu, sức chứa tối thiểu là (6) người.
Tàu còn được trang bị xuồng cứu sinh(lifeboat). Mỗi xuồng cứu sinh phải có sức chứa toàn bộ thuyền viên trên tàu. Cũng như phao bè, xuồng cứu sinh cũng được trang bị đầy đủ bơi chèo, lương khô, nước ngọt và các trang bị thiết yếu khác cho người bị nạn. Thông thường, mỗi tàu có (2) xuồng cứu sinh gắn ở hai bên mạn tàu, trong đó (1) xuồng có chức năng làm xuồng cứu nạn(rescue boat). Xuồng cứu sinh được gắn trên giá treo xuồng(davit). Muốn hạ xuồng, thuyền viên chỉ cần mở các dây chằng buộc xuồng; tháo chốt giá treo xuồng; nâng tay phanh trống dây treo xuổng, xuồng sẽ tự rời khỏi giá bởi trọng lực của chính nó. Ở một số tàu mới, người ta chỉ bố trí một xuồng cứu sinh(đồng thời là xuồng cứu nạn) ngay phía trên boong lái(poop deck). Xuồng cứu sinh được ghi rõ tên tàu, cảng đăng kí, số lượng thuyền viên định biên trên tàu. Vỏ xuồng màu da cam, được dán băng phản quang ở trên vỏ xuồng để dễ nhận biết khi xuồng trôi nổi trên biển. Phao áo cá nhân giúp người bị nạn nổi dễ dàng dưới nước(floating). Phao tròn giúp người rơi xuống biển có phương tiện nổi để bám(man-overboard). Xuồng cứu sinh dùng khi rời bỏ tàu(abandonment). Phao bè là xuồng cứu sinh dự phòng. Chúng là những phương tiện cứu sinh quan trọng đối với người đi biển. Theo qui định của SOLAS, tình trạng các phương tiện cứu sinh trên tàu phải được thuyền viên kiểm tra hàng tuần, hàng tháng. Nội dung kiểm tra phải được ghi rõ vào sổ bảo quản, bảo dưỡng trang thiết bị cứu sinh(LSA maintenance record). Hàng năm, xuồng cứu sinh và phao bè phải được nhà chế tạo hay cơ sở bảo dưỡng chuyên ngành do nhà chế tạo ủy nhiệm kiểm tra và cấp giấy xác nhận tình trạng (annual thoroughly examination report).